Sách Hay Trong Tuần: Nguyễn Thị Hoàng & Phạm Cao Củng

Thư Viện Cộng Đồng San José chứa đựng một trong một sưu tập sách Việt Ngữ lớn nhất tại Hoa Kỳ. Chúng tôi khuyến khích quý vị đến viếng những khu sách Việt Ngữ tại hầu hết các thư viện trong hệ thống, hoặc truy cập danh mục điện tử tại https://sjpl.bibliocommons.com/. Khi quý vị tìm được một quyễn sách ưa thích, hãy đặt giữ và đến nhận tại thư viện lựa chọn.

Tuần này chúng tôi giới thiệu hai nhà văn quen thuộc tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975: Nguyễn Thị Hoàng và Phạm Cao Củng.

Sơ lược tiểu sử Nguyễn Thị Hoàng

Nguyễn Thị Hoàng là một nhà văn nữ, nhà thơ sinh năm 1939. Bà là một nhà văn sống tại miền Nam trong cuộc chiến Việt Nam, và được nổi tiếng trước 1975. Những tác phẩm của bà viết về tình cảm và những mâu thuẫn tâm lý trong giới trẻ của thập niên 1960. Nổi bậy nhất là những tựa: Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về, Một Ngày Rồi Thôi, Vòng Tay Học Trò, v.v. (Nguồn tiểu sử: Wikipedia)

Sau đây là sơ lược một vài tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng:

Tiếng Chuông Gọi Người Tình Trở Về là câu chuyện về những niềm khao khát được yêu và được hiểu nhưng mơ hồ. Những hờn ghen vẩn vơ lẫn trộn trong mơ mộng viển vông của Bằng và Huyền khiến đời sống vợ chồng bỗng lạc mất hướng đi. Thay vì vun đắp, nuôi dưỡng tương lai và săn sóc, nuông chiều tình yêu đang sẵn có trong tình chồng vợ, họ mê mải trên hành trình tìm mình, kiếm nhau trong ngày tháng cũ. Tiếng chuông réo gọi tình về vì thế mà liên tục được ngân lên trong vô vọng.

(Hãy đặt giữ một quyển hôm nay.)



Giữa độ đôi mươi xuân sắc, cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm quyết định bỏ Sài Gòn hoa lệ lại phía sau để lên Đà Lạt tìm kiếm sự yên bình. Nhưng ở đó, số phận lại run rủi để Trâm gặp Minh. Sự đồng điệu trong tâm hồn cô giáo trẻ và cậu trò lớn đã khiến cuộc đời họ không bao giờ còn như cũ nữa. Vòng tay học trò nhận được sự ủng hộ của hàng nghìn độc giả ngay từ khi mới xuất hiện dưới dạng nhiều kỳ đăng trên tạp chí đến khi được in thành sách rồi tái bản liên tục nhiều năm ở miền Nam. Sự hưởng ứng sôi nổi ấy hẳn không phải chỉ bởi nó đã kể câu chuyện tình đau đớn của tuổi trẻ "yêu người không nên yêu" một cách du dương thành thật, mà còn vì bằng câu chuyện ấy nó đặt ra những vấn đề khác, về lẽ sống, về những vật lộn tinh thần cá nhân giữa đời sống xã hội bình thường. Sau hết thảy, nó là câu chuyện của thanh xuân, phù hợp hơn cả với những buổi chiều lặng lẽ riêng tư, như một người bạn không nhất thiết ủng hộ nhưng hoàn toàn thông cảm với những tâm tình có thật của con người.

(Hãy đặt giữ một quyển hôm nay.)

Hãy xem tất cả tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng tại Thư Viện Cộng Đồng San José.

Sơ lược tiểu sử Phạm Cao Củng

Phạm Cao Củng (1913-2012) là nhà văn truyện trinh thám nổi tiếng tiền chiến. Được coi là nhà văn viết truyện trinh thám đầu tiên tại Việt Nam và là "Vua Truyện Trinh Thám". Những truyện trinh thám nổi tiếng nhất của ông xoay quanh một nhân vật truyền kỳ, Thám Tử Kỳ Phát, nổi bật qua các tác phẩm như Vụ Án Mạng Thứ Sáu, Đám Cưới Kỳ Phát, Kỳ Phát Giết Người, v. v. (Nguồn tiểu sử: Wikipedia)

Sau đây là sơ lược một vài tác phẩm của nhà văn Phạm Cao Củng:

Một buổi sáng, Kỳ Phát tình cờ nhìn thấy Thanh Ngọc trên sân ga và bị hút hồn ngay bởi đôi mắt huyền của giai nhân. Theo chân nàng lên chuyến tàu định mệnh, rồi nhận lấy chiếc va ly duyên nợ, Kỳ Phát bị cuốn vào một vụ án ly kỳ và rắc rối. Liệu cuộc gặp gỡ có phải mối lương duyên tốt đẹp? Kỳ Phát sẽ có một đám cưới hạnh phúc, hay ẩn tàng sau đó là âm mưu thâm độc cùng những cạm bẫy chết người? (Nguồn: tiki.vn)

(Hãy đặt giữ một quyển hôm nay.)

Đọc được mẩu tin trên báo về một vụ giết người, Kỳ Phát lập tức đến hiện trường để tra án. Nạn nhân bị đâm chết trong buồng kín, trên trần nhà có những vết tay nhỏ. Trong khi đó, lời khai của các nhân chứng lại hoàn toàn khác nhau: con trai nạn nhân nói bị một bóng đen bóp cổ, còn lão bộc lại thoáng thấy một bóng trắng đi vào nhà.

Vậy, ai là chủ nhân của những vết tay trên trần? Liệu Kỳ Phát có tìm ra hung thủ và động cơ giết người của hắn? (Nguồn: Bookbuy.vn)

(Hãy đặt giữ một quyển hôm nay.)

Hãy xem tất cả tác phẩm của Phạm Cao Củng tại Thư Viện Cộng Đồng San José.

Chúng tôi mong mỏi sự chiếu cố của quý vị đọc giả cho bộ sưu tập Việt Ngữ của Thư Viện Cộng Đồng San José trong bao thập niên qua. Hãy tiếp tục đến viếng thư viện nếu có thể để xem những quyển sách mới chúng tôi vừa mua, hoặc truy cập trên mạng và đặt giữ để đến nhận sau.

Nếu có thắc mắc xin đừng ngần ngại liên lạc với chúng tôi tại (408) 808-2000 hoặc vào trò chuyện trực tiếp (chat) với một nhân viên biết tiếng Việt.

Xin cảm ơn quý vị.